CÓ MẶT CHO MÌNH
Nếu ta sống không chánh niệm, nếu ta tự đánh mất ta trong quá khứ, trong vị lai, nếu ta để bị lôi kéo theo những tham ái, hờn giận và si mê trong hiện tại, ta sẽ không sống được những giây phút của đời ta một cách sâu sắc, ta sẽ không thật sự tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong hiện tại, và vì thế ta sống một cách hời hợt và nếp sống nội tâm của ta sẽ nghèo nàn.
Nghèo nàn, ta sẽ không đóng góp được gì đáng kể cho xã hội. Vì vậy, biết sống một mình không phải là chán đời và xa lánh con người. Một khi con người của ta nghèo nàn và hời hợt, thì những tiếp xúc của ta đối với con người và cuộc đời cũng là những tiếp xúc nghèo nàn và hời hợt – những tiếp xúc không đem lại niềm vui và lợi ích cho cả hai bên.
Có những hôm ta cảm thấy ta trống rỗng, mệt mỏi và thiếu an vui, ta không thật sự là ta một cách đầy đủ, những hôm ấy dù ta có cố gắng thì những tiếp xúc của ta với con người và với xã hội cũng không được thành công. Có khi càng cố gắng ta càng thất bại.
Những lúc ấy là lúc ta nên dừng sự tiếp xúc lại và trở về với bản thân, để sống một mình, để tiếp xúc với chính mình. Những cánh cửa mở ra với xã hội bên ngoài, ta nên đóng lại. Ta trở về với ta, nắm lấy hơi thở, thực tập tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Quán chiếu những hiện tượng ấy, nhận diện chúng, làm quen với chúng và mỉm cười với chúng. Ta hãy thực tập thiền hành, thiền toạ, giặt áo, lau sàn nhà, pha trà và chùi cầu tiêu trong chánh niệm. Ta sẽ khôi phục lại được sự giàu có của ta – như người lái xe đổ đầy xăng và nhớt cho chiếc xe của ông ta.
Bụt là người sống tỉnh thức. Nhờ luôn an trú trong hiện tại một cách vững chãi và thảnh thơi nên Bụt luôn luôn giàu có trong nội tâm, giàu có về tự do, về niềm vui, về sự hiểu biết và tình thương.
Sống trong chánh niệm, ta có thể nhìn và khám phá được một cách sâu sắc con người đang ngồi đối diện và ta có thể giúp đỡ người ấy một cách có hiệu lực hơn. Nhờ có ta mà người ấy có cơ hội vượt thoát tình trạng ốm yếu của họ.
– Thích Nhất Hạnh –